Gần đây, đi đâu chúng ta cũng nghe mọi người nhắc đến vaccine, từ tin tức đến câu chuyện quanh bàn trà. Vậy bạn đã hiểu rõ vaccine là gì và vaccine có những loại nào chưa? Nếu bạn vẫn còn mông lung thì hãy cùng Toomva tìm hiểu vaccine là gì và tại sao chúng ta buộc phải tiêm vaccine để phòng bệnh.
Vaccine là gì?
Vaccine – tên Việt hoá là Vắc-xin – là chế phẩm có tính kháng nguyên có nguồn gốc từ vi sinh vật gây bệnh hoặc vi sinh vật có cấu trúc kháng nguyên giống vi sinh vật gây bệnh, đã được bào chế đảm bảo độ an toàn, làm cho cơ thể tự tạo ra tình trạng miễn dịch chống lại tác nhân gây bệnh.
Vaccine chứa các phiên bản suy yếu của virus hay phiên bản gần giống như virus (được gọi là kháng nguyên). Điều này chứng tỏ những kháng nguyên sẽ kích thích hệ miễn dịch tạo ra kháng thể.
Vaccine có tác dụng như thế nào?
Vaccine giúp nâng cao khả năng kháng bệnh của cơ thể bạn. Khi vaccine được đưa vào cơ thể, hệ miễn dịch của cơ thể sẽ tiếp nhận, ghi nhớ từ đó tạo ra một kháng thể miễn dịch. Sau đó, khi gặp tác nhân gây bệnh xâm nhập vào cơ thể thì hệ miễn dịch sẽ “auto" tấn công các tác nhân gây bệnh một cách nhanh nhất và sau đó sẽ bảo vệ cơ thể chống lại bệnh.
Nhờ có vaccine mà bao nhiêu đứa trẻ đã thoát khỏi “lưỡi hái tử thần" mang tên những dịch bệnh truyền nhiễm. Và hiện nay, cả thế giới đang rất hy vọng vaccine có thể chiến thắng đại dịch COVID-19, mang bình yên trở về cho nhân loại. Bởi trên lý thuyết thì khi một người được tiêm vaccine, người đó sẽ không bị mắc bệnh.
Có những loại vaccine nào?
Có 3 loại vaccine cơ bản:
1. Vaccine giải độc tố
Được sản xuất ra từ ngoại độc tố của vi khuẩn: làm mất tính độc nhưng vẫn giữ được tính kháng nguyên. Khi hệ miễn dịch tiếp nhận vaccine giải độc tố, chúng sẽ chống lại các độc tố tự nhiên. Hệ miễn dịch sẽ sản xuất ra các kháng thể làm trung hòa độc tố.
Ví dụ: vaccine bạch hầu, vaccine uốn ván…
2. Vaccine bất hoạt (chết)
Sản xuất từ vi sinh vật gây bệnh đã chết. Vaccine này an toàn và ổn định hơn vaccine sống, một khi các vi sinh vật gây bệnh đã chết thì không thể đột biến trở lại. Các kháng nguyên sẽ kích thích đáp ứng hệ miễn dịch.
Vì thế, vaccine chết có miễn dịch yếu hơn vaccine sống nên thường được tiêm thành nhiều liều hoặc tiêm nhắc lại để duy trì miễn dịch về sau. Điều này bị hạn chế cho những người dân sống ở vùng không có điều kiện về y tế, không thể tiêm nhắc lại đúng lịch.
Ví dụ: vaccine ho gà, vaccine thương hàn, vaccine tả, vaccine Salk (phòng bại liệt), vaccine viêm não Nhật Bản…
3. Vaccine sống giảm độc lực
Vaccine này được sản xuất từ vi sinh vật gây bệnh hoặc vi sinh vật giống với vi sinh vật gây bệnh đã được làm giảm độc lực không còn khả năng gây bệnh.
Ví dụ: vaccine BCG sống, vaccine thương hàn, vaccine Sabin (phòng bại liệt), vaccine sởi…
Ngoài ra, ngày nay khi công nghệ sinh học tiến bộ hơn thì có thêm 2 loại vaccine nữa:
1. Vaccine tách chiết
Kháng nguyên được tách chiết từ vi sinh vật.
Ví dụ: kháng nguyên polysaccharid của cầu khuẩn màng não, polysaccharid của phế cầu…
2. Vaccine tái tổ hợp
Với công nghệ sinh học hiện đại, gen mã hoá cho kháng nguyên vi sinh vật cần có để làm vaccine được tách và tái tổ hợp vào E. coli hoặc một dòng tế bào thích hợp.
Ví dụ: vaccine tả, vaccine thương hàn…
Các nhà khoa học đang nghiên cứu vaccine tái tổ hợp cả trên vi khuẩn và virus cho HIV, dại và sởi.
Đối tượng nào cần ưu tiên tiêm vaccine?
Những người có nguy cơ cao nhiễm vi sinh vật gây bệnh mà chưa có miễn dịch.Trẻ em là đối tượng được tiêm chủng rộng rãi. Đối với người lớn việc tiêm chủng chỉ dành cho những nhóm người có nguy cơ mắc bệnh cao.
Tiêm chủng phải đạt trên 80% đối tượng chưa có miễn dịch mới có khả năng ngăn ngừa dịch. Tiêm chủng mở rộng là tiêm chủng phổ cập cho hầu hết trẻ em.
Thời gian phải tiêm vaccine?
● Tiêm chủng trước mùa dịch, để cơ thể có thời gian hình thành miễn dịch.
● Những vaccine tạo miễn dịch cơ bản phải được tiêm chủng nhiều lần, và có khoảng cách hợp lý giữa những lần tiêm chủng phù hợp với từng loại vaccine.
Hiện nay, vaccine AstraZeneca là vaccine phòng chống lại COVID-19 đang được tiêm rộng rãi khắp Việt Nam. Trong lúc chờ được tiêm vaccine, các bạn hãy nghiêm túc thực hiện thông điệp 5K của Bộ Y tế, thay vì đi chơi thì hãy ở nhà xem phim phụ đề song ngữ Anh – Việt với Toomva nhé! Vừa đảm bảo an toàn sức khoẻ lại vừa nâng cao level tiếng Anh thì còn gì tuyệt vời hơn, phải không nào?