Streamer là từ để chỉ một nghề đang “hot” hiện nay, cũng được coi là một nghề khá đặc thù. Trong khi nhiều người cho rằng streamer là nghề “việc nhẹ lương cao” và luôn tò mò “PewPew kiếm được bao nhiêu tiền một tháng?” hay “Độ Mixi thu nhập bao nhiêu tiền một ngày?” rồi ngồi mơ mộng giấc mơ làm streamer thì nhiều người khác lại không có cảm tình với nghề này vì nghĩ rằng đó chỉ là “ngồi chơi, chém gió ăn tiền” Tuy nhiên, thực chất thì đây là những hiểu lầm lớn. Trong bài viết này, Toomva sẽ giúp bạn hiểu rõ về nghề streamer cũng như những cái được và mất khi theo nghề này.
Streamer tiếng Anh là gì?
1. Giống như er trong farmer – người nông dân hay player – người chơi, er trong streamer cũng là để chỉ người, người làm công việc stream.
2. Stream (/striːm/) nghĩa gốc trong tiếng Anh là dòng suối. Trong công nghệ thông tin, stream, live stream hay streaming là thuật ngữ chỉ kỹ thuật chuyển đổi dữ liệu sao cho dữ liệu được truyền đến máy tính chúng ta không bị ngắt quãng, liền mạch như nước suối vậy. Hiểu đơn giản hơn nữa thì stream là công nghệ phát thông tin trực tiếp trên internet.
Vậy, streamer hiểu trong thời đại số hiện nay là người sáng tạo một phần nội dung và phát nội dung trực tiếp trên internet với các nền tảng lớn như Facebook, YouTube. Sở dĩ nói là “sáng tạo một phần nội dung” là bởi ngoài tự chơi game rồi quay và phát video, streamer còn làm và phát những video bình luận về những trận game của người khác cũng như những MV ca nhạc mới ra mắt hay những video hot trên internet nói chung.
Streamer kiếm tiền như thế nào?
Bạn đang mơ hồ không biết ai là người trả lương cho streamer? Họ có thu nhập từ đâu? Câu trả lời là từ chính các bạn, chính những người xem các video live stream của họ là người trả tiền cho họ.
Về cơ bản thì nguồn thu nhập chính của các streamer đến từ những nguồn sau:
1. Đóng góp, ủng hộ từ người hâm mộ (donate).
2. Lượt xem, like video và đăng ký kênh trên YouTube.
3. Các nhà tài trợ, các nhãn hàng cần quảng cáo.
Ngoài 3 nguồn trên, hiện nay nhiều streamer còn có thêm khoản thu nhập từ việc đặt link affiliate, hiểu đơn giản là giới thiệu khách hàng cho các nhãn hàng. Cụ thể thì các streamer sẽ đặt một đường link dưới phần mô tả của video stream, người xem bấm vào sẽ được dẫn đến web mua hàng và nếu họ chốt đơn mua hàng thì các streamer sẽ nhận được một khoản hoa hồng từ nhãn hàng.
Ở Việt Nam, ngoài "Tứ Hoàng Streamer" là Độ Mixi, PewPew, Xemesis và ViruSs thì chắc hẳn các bạn còn quen thuộc với những cái streamer như Cris Phan, Dũng Senpai. Thu nhập của những streamer này được báo đài ước tính lên đến 20 - 40 triệu/tháng. Tuy nhiên, rất có thể đây không phải là con số cố định.
Làm streamer cần những gì?
Đặc thù của nghề streamer là luôn phải làm việc không giới hạn thời gian, phải nói liên tục, phải tiếp xúc với máy tính và camera với cường độ cao để theo dõi những trận đấu game nảy lửa, những xu hướng (trend) của giới trẻ hay những tin tức nóng nhất trong ngày, ... Và càng bắt kịp xu hướng, streamer càng lan tỏa thông tin một cách nhanh chóng thì lượt xem sẽ càng cao và mang lại thu nhập cho streamer.
Để làm streamer thì ít nhất cần phải giỏi về một mảng lĩnh vực nhất định để có thể “stream" một cách tốt nhất. Một số lĩnh vực mà các streamer lựa chọn nhiều hiện nay có thể kể đến như như game, âm nhạc và các video hài hước.
Các streamer cũng là những người hài hước, biết thể hiện cảm xúc một cách chân thực cũng như không ngại bày tỏ quan điểm cá nhân về các chủ đề mà mình đang “stream”.
Tóm lại, nếu đang nuôi ước mơ làm streamer, bạn cần những điều sau:
1. Linh hoạt, năng động, không ngại làm việc với khung thời gian không giới hạn.
2. Giỏi ít nhất một lĩnh vực nào đó có thể stream, đa tài là một lợi thế.
3. Hoạt ngôn, có khiếu hài hước, ngoại hình ưa nhìn là một lợi thế.
4. Biết biểu lộ cảm xúc một cách chân thực nhất.
5. Không ngại bày tỏ quan điểm của cá nhân một cách rõ ràng.
6. Không ngại ngồi trước máy tính và camera quá lâu, ít vận động.
Streamer – được và mất
Công việc nào cũng có hai mặt của nó, bên cạnh những lợi ích ta nhận được thì chắc chắn cũng có những điều ta buộc phải hy sinh. Streamer cũng không phải ngoại lệ. Cùng Toomva điểm qua những cái được và mất khi quyết định làm streamer nhé!
1. Được:
- Ngồi làm việc ở nhà.
- Tiếng nói, quan điểm có tầm ảnh hưởng nhất định.
- Nhiều người biết đến.
- Có thu nhập cao.
- Hiểu biết rộng về các xu hướng.
- Được chơi game thoải mái.
- Có nhiều cơ hội thành công hơn khi rẽ hướng sang lĩnh vực khác.
2. Mất:
- Thời gian làm việc không giới hạn.
- Sức khoẻ bị ảnh hưởng vì ngồi lâu, ăn - uống - ngủ - nghỉ không điều độ.
- Ít có thời gian dành cho người thân.
- Bị những người quá khích làm phiền, khủng bố tinh thần.
- Bị mọi người để ý, soi mói.
- Nói gì hay làm gì cũng không được tự do, thoải mái.
Lời kết
Streamer về cơ bản là một nghề chân chính, mà đã là nghề chân chính thì chắc chắn streamer đáng được tôn trọng. Trừ những ai làm streamer phát những nội dung xấu độc, phát ngôn tục tĩu thì công sức của những streamer chân chính rất đáng được mọi người công nhận. Bởi vì họ đã phải hy sinh rất nhiều để có thể theo đuổi nghề này.
Vậy là qua bài viết này của Toomva, các bạn đã biết streamer trong tiếng Anh có nghĩa là gì rồi. Hy vọng bài viết này không chỉ giúp các bạn học thêm được một từ tiếng Anh thú vị mà còn khiến bạn hiểu thêm về một cộng đồng – streamer. Toomva chúc các bạn học tốt!