Việc học nói chung hay học tiếng Anh nói riêng cũng giống như ươm mầm cây vậy, để mầm cây phát triển được tốt thì trước tiên ta phải có đất tốt, rồi ta phải bón phân và tưới nước cho cây mỗi ngày... Dù không thể sốt sắng muốn thấy kết quả trong ngày một ngày hai, nhưng nếu ta chăm chỉ và chọn được phương pháp phù hợp thì việc học tiếng Anh cho người mới bắt đầu chỉ là chuyện nhỏ và không mất quá nhiều thời gian như bạn vẫn nghĩ.
Vậy cụ thể thì ta cần chú ý những điều gì khi mới bắt đầu học tiếng Anh hay học lại tiếng Anh? Cùng Toomva tìm hiểu nhé!
Bí quyết học tiếng Anh cho người mới bắt đầu
1. Học như một em bé tập nói
Có một thực tế là đa phần các bạn học sinh học tiếng Anh chỉ tập trung vào ngữ pháp và từ vựng để có thể học qua môn. Ngữ pháp và từ vựng là hai phần rất quan trọng khi học một thứ ngôn ngữ, thế nhưng đó lại không phải là những phần quan trọng nhất. Ta đều biết em bé tập nói như thế nào. Bé nghe và bắt chước theo người lớn hay phải học sách Tiếng Việt?
Tiếng Anh hay bất cứ ngôn ngữ nào khác cũng vậy, kỹ năng nghe – nói mới là quan trọng nhất. Ta hay thấy những cậu bé đánh giày giao tiếp với người nước ngoài khá tốt nhưng bảo viết ra thì chưa chắc các cậu ấy đã viết được. Vậy chẳng phải các cậu ấy đã hơn chúng ta về nghe – nói và giao tiếp tiếng Anh rồi sao? Nói vậy để ta biết kỹ năng nghe – nói thật sự quan trọng đến mức nào khi ta học một ngôn ngữ. Trong “công cuộc” học tiếng Anh của người mới bắt đầu, đây được ví như chất đất màu mỡ để ươm mầm cây.
Vậy học nghe – nói tiếng Anh như thế nào cho hiệu quả? Câu trả lời là bạn cần có ý thức nghe và nói bất cứ khi nào bạn nghe thấy một câu tiếng Anh hay một từ tiếng Anh. Có nghĩa là khi nghe tiếng Anh, bạn cần chú ý phát âm của người nói, sau đó tự nhẩm và tự nhủ với mình rằng “À, thì ra câu / từ này phát âm như thế!”, để rồi tự nhắc đi nhắc lại cho phát âm của mình gần giống với phát âm của họ nhất có thể.
Tuyệt đối đừng đặt mục tiêu là mình phải “phát âm chuẩn như tây”. Nếu ta không lớn lên ở các nước nói tiếng Anh thì việc này gần như là không thể và cũng không cần thiết. Mục đích cuối cùng của việc học ngôn ngữ là nói cho người khác hiểu nhanh nhất có thể, và… chỉ đơn giản vậy thôi!
Một lưu ý về việc học phát âm tiếng Anh cho người mới bắt đầu là: Bạn nên luyện nghe và học phiên âm quốc tế để biết được một từ phát âm như thế nào.
Vì tiếng Anh không giống như tiếng Việt nên bạn không thể nhìn mặt chữ để đoán cách đọc được. Có một sự thật thú vị là, ngay cả những người bản xứ khi gặp một từ mới, khả năng cao là họ cũng sẽ phải tra từ điển để biết cách đọc của nó.
Có rất nhiều phương pháp luyện nghe – nói tiếng Anh hay và hiệu quả, nhất là trong thời đại thông tin như hiện nay. Ví dụ như học tiếng Anh qua phim, nghe những bài hát tiếng Anh, luyện phát âm bằng phần mềm chấm điểm phát âm trên điện thoại, ... Tuỳ vào thời gian cũng như sở thích mà bạn có thể lựa chọn cho mình phương pháp phù hợp nhất và quan trọng là không nhàm chán.
2. Xây dựng nền tảng ngữ pháp thật vững chắc
Nếu nghe – nói là chất đất màu mỡ để ươm mầm cây khoẻ mạnh thì ngữ pháp âm được xem là phân bón cho cây xanh tốt. Nếu bạn là người mất gốc tiếng Anh hay là người mới bắt đầu học tiếng Anh, bạn cần quan tâm đến những kiến thức sau:
+ Các thì quan trọng và thông dụng trong tiếng Anh như hiện tại đơn, quá khứ đơn, hiện tại hoàn thành, hiện tại tiếp diễn, tương lai đơn, …
+ Kiến thức về từ loại: biết phân biệt danh từ, động từ, trạng từ, mạo từ, giới từ, …
+ Các cấu trúc câu thông dụng: câu điều kiện, câu bị động, …
3. Sống cùng tiếng Anh
Có đất màu mỡ, phân bón chất lượng rồi, giờ ta cần tưới cây mỗi ngày để cây luôn mơn mởn. Việc “nuôi dưỡng” tiếng Anh là nhiệm vụ của từ vựng. Hãy tưởng tượng bạn có kỹ năng nghe – nói rất tốt, ngữ pháp rất chắc nhưng khi gặp từ mới bạn vẫn sẽ bị “đứng hình”…
Vậy nên, cũng giống như việc tưới cây, việc học từ vựng đòi hỏi ở bạn tính cần mẫn và kiên trì. Học từ vựng không bao giờ là đủ cả, bạn càng biết nhiều thì việc diễn đạt của bạn càng trôi chảy và linh hoạt.
Để học từ vựng một cách hiệu quả và không nhàm chán, không nhồi nhét thì khi mới bắt đầu học tiếng Anh, bạn nên học từ vựng theo những chủ đề gần gũi với mình. Ví dụ như gia đình, bạn bè, sở thích, số đếm, giờ giấc, …
Cũng giống như học nghe – nói, khi đã xác định học từ vựng, bạn cần có ý thức tìm hiểu mọi lúc mọi nơi. Không chỉ tạo thói quen tò mò về nghĩa tiếng Việt khi bắt gặp những từ tiếng Anh, mà bạn còn nên tìm hiểu nghĩa tiếng Anh của những từ tiếng Việt nảy ra trong đầu mình. Đó gọi là học một cách chủ động.
Vậy là Toomva vừa cùng bạn tìm câu trả lời cho câu hỏi “Việc học tiếng Anh cho người mới bắt đầu có quá khó không?”. Hy vọng bài viết này có thể phần nào giải toả tâm lý ngại bắt đầu học tiếng Anh vì nghĩ đây là việc khó và tốn thời gian.
Với tiếng Anh, chỉ cần bạn có đam mê và sống cùng đam mê đó thôi. Chắc chắn sẽ có một ngày chính bạn phải bất ngờ về kỹ năng tiếng Anh của mình đấy!
Toomva chúc bạn học thật tốt!