Chào bạn, tôi là một thành viên đội ngũ dịch thuật của Toomva. Hôm nay, tôi định viết một bài về kinh nghiệm học tiếng Anh qua phim cho người mới bắt đầu nhưng rồi lại nghĩ, chỉ cần vài đường Google là bạn có thể tìm được cả chục bài viết như thế. Tôi muốn bài viết của tôi phải đặc biệt và quan trọng nhất là phải thực tế, để bạn không phải trải qua cảm giác đọc mà thấy xa vời với bản thân và rồi lại nghĩ mình không làm được, mình thật kém cỏi.
Dưới đây là những kinh nghiệm học tiếng Anh qua phim của “nhà người ta” và kinh nghiệm của bản thân tôi, một người không có điều kiện đi học tiếng Anh ở các trường hay trung tâm như những người khác.
Làm thế nào để học tiếng Anh qua phim hiệu quả?
1. Shadowing (nói theo nhân vật)
“shadow” nghĩa là cái bóng, còn “shadowing” dùng để chỉ việc làm theo, nói theo ai đó sao cho giống nhất có thể. Trong việc học tiếng Anh qua phim thì shadowing là một phương pháp học rất hữu ích trong việc cải thiện ngữ điệu, ngữ âm cũng như cảm xúc. Tuy nhiên, dùng nó như thế nào cho tốt lại là một vấn đề khác.
Kinh nghiệm “nhà người ta”: Nghe đi nghe lại một đoạn hội thoại phim dài 1-2 phút, nghe – nhẩm miệng theo, nghe – cố gắng nhắc lại đúng câu từ, ngữ điệu, ngữ âm và cảm xúc.
Kinh nghiệm của tôi: Xem phim, tận hưởng trọn vẹn nội dung phim nhưng vẫn cố gắng để ý nghe câu từ, gặp đoạn nào hay (nghĩa tiếng Việt hay hoặc ngữ điệu gây chú ý) thì cố gắng nhắc lại, chụp lại màn hình và ghi nhớ. Nếu muốn nghe lại cũng được, nhưng tuyệt đối không được nghe lại quá 3 lần. Vì trong thực tế, người ta nói đến lần thứ 3 mà mình vẫn không nghe được là người ta đã bỏ cuộc rồi.
Theo cá nhân tôi, dù có là học tiếng Anh qua phim ảnh thì nó cũng vẫn là phim ảnh. Nó có câu chuyện cần ta tập trung vào, cần ta thả mình cuốn theo mạch phim. Nếu ta chỉ chăm chú nghe đi nghe lại rồi nói theo gần như xuyên suốt thời gian phim… liệu ta có “trụ” nổi được đến lúc xem phim thứ 3, thứ 4 không?
Bất cứ điều gì khơi gợi cảm xúc cho bạn đều khiến bạn nhớ lâu. Đây là kinh nghiệm của tôi sau bao nhiêu năm chỉ ngồi xem phim, hoạt hình lúc rảnh rỗi.
2. Học và ghi nhớ từ vựng
Kinh nghiệm “nhà người ta”: Hãy chuẩn bị một cuốn sổ tay ngay khi mới bắt đầu học tiếng Anh qua phim. Bất cứ khi nào bạn gặp từ mới hay hoặc thông dụng (từ bạn từng nghe hơn 1 lần từ các cuộc hội thoại bình thường, không phải chuyên ngành) thì hãy ghi vào sổ kèm nghĩa tiếng Việt của nó. Việc ghi chép giúp bạn nhớ lâu hơn.
Kinh nghiệm của tôi: Chụp màn hình. Hình ảnh đi đôi với câu thoại chứa từ mới sẽ giúp bạn nhớ từ mới lâu hơn, ấn tượng về từ mới cũng sâu sắc hơn. Cách này đặc biệt hiệu quả khi bạn xem phim tiếng Anh phụ đề song ngữ. Chỉ dùng sổ tay ghi chép những quy tắc cần nhớ.
Thầy giáo tiếng Anh nổi tiếng Nguyễn Quốc Hùng, M.A từng khuyên học viên của mình rằng không nên học từ vựng theo cách ghi chép, vì lâu dần, ta sẽ chẳng còn hứng thú mở cuốn sổ ấy ra mà đọc lại y như đọc một cuốn từ điển.
3. Phụ đề tiếng Việt
Kinh nghiệm “nhà người ta”: Chọn phương pháp học tiếng Anh qua phim song ngữ là bạn sẽ không cần vừa xem phim vừa tra từ điển tốn thời gian.
Kinh nghiệm của tôi: Là người dịch, tôi hiểu rõ rằng phụ đề / thuyết minh không phải là tất cả những gì ta cần học khi học tiếng Anh. Để mang đến cho bạn những dòng phụ đề tiếng Việt, chúng tôi không chỉ phải tra từ điển mà còn phải vận dụng những kiến thức cũng như kinh nghiệm về cụm từ, thành ngữ, thậm chí còn thường phải suy nghĩ xem ẩn ý của người nói là gì và trong ngữ cảnh thế nào. Nói cách khác, phụ đề tiếng Việt là một sản phẩm của một quá trình tư duy, suy luận, không thể thay thế được cái gốc là từ điển.
Có gốc thì mới có ngọn, nhưng có ngọn chưa chắc đã có gốc. Nếu ta chỉ học dựa vào phụ đề thì cũng giống như ta nhổ một cây củ cải mà cuối cùng chỉ được một nắm lá cải vậy.
4. Chọn phim
Kinh nghiệm “nhà người ta”: Chọn phim để học tiếng Anh khá đơn giản, chỉ cần đó là phim bạn thích và có tốc độ thoại vừa phải cũng như lối nói thông dụng. Vì nếu chọn một phim bạn không thích hoặc quá khó thì bạn sẽ nản rất nhanh, ai cũng vậy thôi.
Kinh nghiệm của tôi: Về phần này thì tôi giống “nhà người ta”.
Tuy nhiên, tôi muốn bổ sung một chút: Ngoài việc chọn phim hay, chậm rãi và có lối nói thông dụng thì ta nên chọn hoạt hình. Vì hoạt hình bao giờ cũng có ngữ điệu được nhấn mạnh hơn phim, giúp ta dễ nghe hiểu và bắt chước hơn.
5. Dễ hay khó?
Kinh nghiệm “nhà người ta”: Học tiếng Anh qua phim có phụ đề Anh – Việt là phương pháp học dễ dàng giúp nhanh tiến bộ, nói “tây” như người bản ngữ.
Kinh nghiệm của tôi: Không có gì là dễ dàng nếu ta không thật sự đam mê và theo đuổi mục tiêu đến cùng. Ta cũng không nên hy vọng mình sẽ nói tiếng Anh như người bản ngữ nếu không sống ở nước nói tiếng Anh từ nhỏ. Ngôn ngữ không có một quy chuẩn nào là tuyệt đối, chỉ cần người với người hiểu được nhau là đủ.
Hãy cố gắng luyện tiếng Anh hàng ngày, không chỉ là học tiếng Anh qua phim mà còn học qua truyện nữa (ngắn và đơn giản thôi, không là dễ nản lắm đấy). No pain, no gain. – Có gian khó mới có thành công.
Lời kết
Trên đây chỉ là những kinh nghiệm học tiếng Anh qua phim của cá nhân tôi, có thể phù hợp với bạn, cũng có thể không. Bài viết này cũng không nhằm mục đích đả kích bất kỳ một cá nhân hay tổ chức nào.
Những điều cốt lõi mà cá nhân tôi nói riêng và Toomva nói chung muốn nhắn nhủ đến bạn là: Dù cho bạn không có điều kiện đi học, dù không có việc gì là dễ dàng hoàn toàn, chỉ cần bạn đủ tự tin, đủ quyết tâm và có đam mê thật sự thì tiếng Anh hay bất cứ ngôn ngữ nào khác cũng không phải là Mission: Impossible – Nhiệm Vụ Bất Khả Thi với bạn.